Hiện nay đang tồn tại hai loại phần mềm hỗ trợ dịch thuật chủ yếu: Phần mềm hỗ trợ dịch thuật trực tuyến (online CAT) và ngoại tuyến (offline CAT). Trước tiên, sự ra đời của các phần mềm hỗ trợ dịch thuật ngoại tuyến như Omega T, Wordfast, Déjà Vu, SDL Trados, MemoQ, Memsource và rất nhiều các công cụ hỗ trợ dịch thuật khác đã thúc đẩy công nghệ dịch thuật ngày mỗi phát triển. Tuy nhiên, các phần mềm hỗ trợ dịch thuật cần phải được trả phí sử dụng để cài đặt vào máy tính cá nhân cũng như chi phí nâng cấp hằng năm. Điều đó dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt về giá cả kèm theo chất lượng bản dịch cũng như định dạng các loại văn bản ngày càng phong phú trong thị trường dịch thuật. Do vậy, các chuyên gia phát triển phần mềm hỗ trợ dịch thuật đã cho ra đời một loại phần mềm hỗ trợ dịch thuật trực tuyến được sử dụng miễn phí. Chỉ cần một máy tính cá nhân có kết nối mạng Internet thì công việc dịch thuật sẽ được hỗ trợ đầy đủ như các phần mềm hỗ trợ dịch thuật ngoại tuyến khác cho các biên phiên dịch viên. Hiện nay, phần mềm hỗ trợ dịch thuật trực tuyến đang được sử dụng phổ biến nhất là Mate CAT và Smart CAT. Ngoài ra, nhiều phần mềm hỗ trợ dịch thuật ngoại tuyến khác còn được hỗ trợ thêm chức năng và sự chọn lựa vừa trực tuyến và ngoại tuyến như SDL Trados FreeTranslation, Cafe Tran Expresso, vv…
Lựa chọn phù hợp cho công tác Biên – Phiên dịch và Đào tạo
Cả hai loại công cụ hỗ trợ dịch thuật trực tuyến và ngoại tuyến nói trên đều rất hữu ích và trợ giúp tích cực công tác biên phiên dịch. Tuy nhiên, mỗi loại đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Chẳng hạn, phần mềm hỗ trợ dịch thuật ngoại tuyến có thể được sử dụng mọi lúc mọi nơi mà không cần phải nối mạng Internet, với đều kiện máy tính đã được cài đặt loại phần mềm theo yêu cầu của khách hàng, và dĩ nhiên là phải được trả phí cho phần mềm cũng như phí nâng cấp định kỳ. Tuy nhiên, phần mềm hỗ trợ dịch thuật trực tuyến thì được sử dụng miễn phí hoàn toàn, nhưng số lượng văn bản được thực hiện dịch thuật còn bị hạn chế, và máy tính phải được kết nối mạng Internet với đường truyền ổn định, không bị ngắt quãng vì sẽ ảnh hưởng đến công việc dịch thuật.
Với những lý do trên, việc so sánh và đánh giá hiệu quả sử dụng hai loại phần mềm hỗ trợ dịch thuật trực tuyến và ngoại tuyến thực sự cần thiết và hữu ích cho các biên dịch viên trong việc chọn lựa loại phần mềm nào thích hợp nhất trong công tác dịch thuật. Hơn nữa, trong công tác giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên ngành biên phiên dịch, việc so sánh hiệu quả sử dụng hai loại phần mềm hỗ trợ dịch thuật này sẽ giúp các giáo viên và sinh viên ngành biên phiên dịch hiểu rõ các tính năng cụ thể, chất lượng dịch thuật, tốc độ, những điểm mạnh và điểm yếu của từng loại phần mềm ứng dụng trong ngành dịch, đáp ứng nhu cầu công việc trong thực tế.
Phân loại theo đối tượng sử dụng
Đối với người sử dụng (sinh viên và giáo viên chuyên ngành Biên phiên dịch, biên dịch viên, v.v.): – Để có thể ứng dụng tốt công nghệ vào công tác dịch thuật, nên sử dụng đồng thời cả hai loại phần mềm hỗ trợ dịch thuật nói trên bởi mỗi loại phần mềm đều tồn tại cả những điểm mạnh và cả những điểm yếu; – Cần phải nắm vững và sử dụng thành thạo một số loại phần mềm hỗ trợ dịch thuật trực tuyến như MateCAT, SmartCAT, và nhiều loại phần mềm hỗ trợ dịch thuật ngoại tuyến từ những loại mang ít tính năng cho đến nhiều tính năng như: Omega T, Déjà Vu, Wordfast, MemoQ, MemoSource, Café Tran Espresso, SDL Trados, vv. để có thể so sánh và lựa chọn phần mềm phù hợp nhất cho công việc dịch thuật; – Do tính năng thường xuyên cập nhật và nâng cấp của hai phần mềm này, đặc biệt phần mềm hỗ trợ dịch thuật ngoại tuyến, người sử dụng cần phải thường xuyên học hỏi, trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng công nghệ để có thể sử dụng nhiều tính năng hữu ích của nhiều loại phần mềm khác nhau (SDL Trados, MemoQ và Wordfast, vv.).
Đối với các tổ chức (công ty dịch thuật, nhà trường): – Cần trang bị hệ thống máy tính có nối mạng chất lượng cao để có thể sử dụng phần mềm hỗ trợ dịch thuật trực tuyến và máy tính có dung lượng lớn để có thể tải các phần mềm hỗ trợ ngoại tuyến; – Sử dụng ngân sách để mua các phần mềm hỗ trợ dịch thuật ngoại tuyến mới nhất và chi trả cho việc nâng cấp và cập nhật thường xuyên định kỳ; – Thường xuyên tổ chức khóa đào tạo, tập huấn cho người sử dụng đang làm việc tại các tổ chức như công ty dịch thuật, trường đại học để bồi dưỡng và nâng cao kiến thức về ứng công nghệ hiện đại vào công việc chuyên môn;
So sánh ưu và nhược điểm giữa online CAT và offline CAT
STT | Phần mềm hỗ trợ dịch thuật trực tuyến | Phần mềm hỗ trợ dịch thuật ngoại tuyến |
1 | Sử dụng miễn phí | Cần phải trả phí để mua bản quyền phần mềm và chi phí cập nhật khi nâng cấp phần mềm |
2 | Cần phải có kết nối mạng Internet; không sử dụng được trên máy bay | Không cần sự kết nối mạng Internet; sử dụng an toàn trên máy bay |
3 | Phụ thuộc vào các chương trình trực tuyến | Có thể sử dụng an toàn, không phụ thuộc các chương trình trực tuyến |
4 | Truy cập phần mềm hỗ trợ dịch thuật rất đơn giản và dễ dàng | Thỉnh thoảng gặp phải những trở ngại kỹ thuật trong khi sử dụng các phần mềm hỗ trợ dịch thuật đã được tải vào máy tính |
5 | Dễ dàng cộng tác với các biên dịch viên đang thực hiện công việc dịch thuật trực tuyến | Không có sự cộng tác dịch trực tuyến |
6 | Không phải mất bộ nhớ để lưu trữ phần mềm trong máy tính | Mất nhiều bộ nhớ để lưu trữ phần mềm trong máy tính |
7 | Có thể hỗ trợ dịch thuật với tốc độ nhanh nên tiết kiệm thời gian dịch, chi phí cho bản dịch giảm | Mất nhiều thời gian hơn trong công việc dịch thuật, chi phí dịch sẽ cao |
8 | Số lượng người sử dụng phần mềm hỗ trợ dịch thuật không hạn chế | Chỉ dành cho những ai đã tải phần mềm mới sử dụng được, do vậy số lượng người sử dụng phần mềm hỗ trợ dịch thuật bị hạn chế |
9 | Bộ nhớ dịch bị hạn chế khi lưu trữ và sử dụng trong tương lai | Bộ nhớ dịch được lưu trữ và có thể được sử dụng lâu dài trong tương lai. |
10 | Đơn giản, dễ sử dụng, không mất thời gian và công sức để học cách sử dụng | Với những phần mềm có tính năng phức tạp (vd. SDL Trados), người sử dụng phải dành nhiều thời gian và công sức đào tạo |